trang chủ tin tức Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại khi thời kỳ xe điện bùng nổ

Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại khi thời kỳ xe điện bùng nổ

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng giá dầu, đồng thời giúp đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch. Trong đó, làn sóng xe điện tăng tốc đang kéo giảm tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.

Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng chậm lại trong những năm tới do làn sóng phổ cập xe điện đang tăng tốc. Ảnh: iStock

Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng chậm lại trong những năm tới do làn sóng phổ cập xe điện đang tăng tốc. Ảnh: iStock

Gần 14 triệu xe điện tiêu thụ trong năm 2023

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, trong năm nay người tiêu dùng trên thế giới sẽ mua thêm gần 14 triệu xe điện.

Theo đó, trung bình 5 xe bán ra có 1 xe điện, dưa doanh số loại xe này sẽ chiếm khoảng 18% tổng doanh số bán ô tô toàn cầu trong năm 2023.

Về dài hạn, IEA ước tính, 35% doanh số xe trên toàn cầu sẽ là xe điện vào năm 2030.

Năm 2022, doanh số xe điện, gồm xe thuần điện và xe hybrid (sử dụng vừa động cơ điện vừa động cơ đốt trong vận hành dựa vào pin) trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 10 triệu, tăng 55% so với 2021.

Sức tiêu thụ xe điện tăng mạnh chủ yếu nhờ Trung Quốc, thị trường chiếm gần 2/3 tổng doanh số xe điện toàn cầu trong năm ngoái. Châu Âu và Mỹ, những nơi cung cấp các ưu đãi cho phương tiện sạch, là thị trường lớn thứ 2 và thứ 3 của xe điện.

Thúc đẩy doanh số xe điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng để các chính phủ để giảm phát thải khí nhà kính.

EU đặt mục tiêu loại bỏ gần như toàn bộ doanh số bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035. Trong khi đó, Mỹ hướng đến mục tiêu một nửa doanh số xe vào cuối thập niên là xe điện.

IEA cũng ước tính 35% doanh số xe trên toàn cầu sẽ là xe điện vào năm 2030, trong đó 60% doanh số xe ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Ford, Stellantis, General Motors và Mercedes-Benz nằm trong số những nhà sản xuất ô tô đã xây dựng kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD để chỉ bán các mẫu xe không phát thải khí carbon trong vòng 2 thập niên tới.

Đồng thời, bằng chính sách giảm giá, các hãng xe điện như Tesla (Mỹ) các tay chơi của Trung Quốc cũng đang gia tăng cạnh tranh trong phân khúc xe điện, có khả năng thúc đẩy nhu cầu hơn nữa.

Ngày càng có nhiều mẫu xe điện được tung ra ở các thị trường lớn, với 60% các lựa chọn xe điện ở Trung Quốc là xe cỡ lớn hoặc xe thể thao đa dụng, phân khúc phổ biến đối với người lái xe trên toàn cầu.

Một mẫu xe điện của BYD ra mắt tại Triển lãm ô tô Thành Đô tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc hồi tháng 8-2022. Ảnh: Xinhua

Một mẫu xe điện của BYD ra mắt tại Triển lãm ô tô Thành Đô tại thành phố Thành Đô, Trung Quốc hồi tháng 8-2022. Ảnh: Xinhua

Tổng cộng, có hơn 500 mẫu xe điện được bán trên toàn cầu vào năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với con số cách đây 5 năm.

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đạt đỉnh vào cuối thập niên này

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ hằng năm sẽ giảm mạnh trong 5 năm tới, từ mức tăng 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2023 xuống mức tăng còn 400.000 thùng/ngày vào năm 2028.

“Xe động cơ đốt trong đã không có đối thủ trong hơn thế kỷ qua, nhưng xe điện đang thay đổi hiện trạng. Đến năm 2030, xe điện sẽ giúp giảm nhu cầu sử dụng ít nhất 5 triệu thùng dầu mỗi ngày” - Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết.

Tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ giảm dần trong những năm tới do các nền kinh tế phát triển nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Theo ông Fatih Birol, doanh số xe điện đang tăng bùng nổ và dự kiến chiếm gần 20% doanh số xe mới trên toàn cầu trong năm nay. Đây một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế năng lượng sạch nổi lên nhanh chóng trên toàn cầu.

Báo cáo của IEA, công bố hôm 14-6, dự đoán mức tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2024 chỉ bằng một nửa so với tốc độ trong 2 năm trước đó.

Báo cáo nhận định đỉnh cao nhất của nhu cầu dầu sẽ đến vào cuối thập niên này khi làn sóng phổ cập xe điện khiến số lượng xe chạy xăng trên đường giảm.

IEA dự báo nhu cầu sử sử dụng xăng toàn cầu sẽ giảm ngay trong năm 2023 và nhu cầu dầu diesel, nhiên liệu của ngành vận tải, cũng giảm vào năm 2027. Động lực tăng trưởng nhu cầu dầu trong những năm tới chủ yếu đến từ ngành hóa chất và nhiên liệu hàng không.

Các dự báo về xu hướng năng lượng khác nhau rõ rệt giữa nhóm nền kinh tế phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu và nhóm nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, chủ yếu là các nước châu Âu.

Theo IEA, nhu cầu dầu của các nền kinh tế tiên tiến thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ đạt đỉnh ngay trong năm nay, nhờ chi tiêu của các chính phủ nhằm tái cấu trúc nền kinh tế tránh xa nhiên liệu hóa thạch.

Theo đó, nhu cầu dầu của các nền kinh tế đó dự kiến giảm xuống 44,3 triệu thùng/ngày vào năm 2028, từ mức đỉnh 46,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

“Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc, với nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trước cuối thập niên này” - Fatih Birol nói.

(Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/xe-dien-bung-no-dang-keo-giam-nhu-cau-dau-toan-cau-post105706.html )