trang chủ tin tức Thiệt hại khó tránh khi ô tô ngập nước

Thiệt hại khó tránh khi ô tô ngập nước

Chuyên gia xe tại Hà Nội cho rằng, việc lái xe cố di chuyển vào những nơi ngập sâu sẽ dẫn đến nguy cơ hư hỏng gây thiệt hại rất lớn.

Việc thường xuyên ngập úng sau những trận mưa lớn đã khiến nhiều xe ô tô tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng thủy kích.

Đáng chú ý, trong số những vụ ngập nước có rất nhiều người do cố tình đi vào vùng nước sâu dẫn đến xe hư hỏng nặng, mất nhiều tiền để sữa chữa, ảnh hưởng đến tính năng vận hành của xe.

Ô tô ngập nước gây nhiều hỏng hóc đến máy và các thiết bị (Ảnh minh họa)

Ô tô ngập nước gây nhiều hỏng hóc đến máy và các thiết bị (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, với những người có ý định mua xe cũ, xe lướt thì nỗi lo gặp phải xe ngập nước luôn khiến họ lăn tăn khi quyết định.

Chia sẻ về vấn đề gây nhiều lo lắng này, ông Trần Đức Bền - Tổng Giám đốc Showroom Bcar Hà Nội cho rằng: “Đối với xe mới, xe lướt thì không cần phải quan tâm nhiều đến chất lương của xe. Tuy nhiên, những xe đã qua sử dụng 1 thời gian dài thì cần phải quan tâm đến chất lượng, tình trạng kỹ thuật của xe.

Ví dụ, chúng ta cần phải kiểm tra lốp xem có mòn nhiều không, gạt mưa có gạt được trơn tru không để đảm bảo tầm nhìn trong quá trình di chuyển khi trời mưa.

Bên cạnh đó phải kiểm tra hệ thống đèn xem có gì bất thường không, bởi nếu đi đường trong trường hợp phanh đột ngột, dừng khẩn cấp thì cần có những hệ thống tín hiệu cảnh báo cho những xe phía sau sẽ giúp chúng ta lưu thông an toàn hơn.

Ngoài ra cũng cần kiểm tra điều hòa và sử dụng điều hòa hợp lý để tránh trường hợp điều hòa hấp hơi lên kính làm giảm tầm nhìn khi lưu thông trên đường trong điều kiện trời mưa”.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc mua bán xe cũ tại Hà Nội, ông Trần Đức Bền lưu ý: “Những thiệt hại của việc thủy kích do nước tràn vào khoang động cơ gây ra thường rất lớn.

Trường hợp thứ nhất, đi đường bị ngập nước khiến nước tràn vào sàn. Sự cố này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống điện, làm han rỉ hệ thống sàn, hệ thống ray ghế và làm ẩm mốc hệ thống thảm sàn.

Trường hợp ngập thứ hai là ngập tầm trung tức là khi nước có thể tràn vào ngang lưng ghế làm ảnh hưởng đến ECU, hộp điều khiển động cơ và hộp điều khiển thân xe. Sự cố này làm ẩm, mốc, ướt và gây ra chập và sau này có nguy cơ cháy. Nếu nhẹ nhàng có thể làm hỏng ECU, nặng gây ra hiện tượng chập cháy làm xe hư hỏng nặng.

Thứ 3, đi vào khu vực nước ngập sâu quá tâm bánh xe, tràn vào xe gây ảnh hưởng đến hệ thống đèn, thậm chí tràn vào khu vực lọc gió, động cơ khiến áp suất của nước làm cong tay biên, gãy trục khuỷu, hoặc nặng hơn là vỡ lốc máy dẫn đến chi phí sữa chữa vô cùng lớn. Những chiếc xe này nếu bán lại thì chỉ được 1/3 so với những xe thông thường”.

Ông Trần Đức Bền

Ông Trần Đức Bền

Với những thiệt hại có thể xảy ra khi xe ngập nước, chuyên gia Trần Đức Bền khuyến cáo: “Nếu nước ngập đến tâm bánh xe thì chúng ta có thể đi bình thường nhưng nước ngập cao hơn tâm bánh xe thi không nên di chuyển tiếp và có thể phải gọi cứu hộ.

Nếu nhỡ đi vào khu vực nước ngập sâu và không may bị chết máy thì việc đầu tiên là tuyệt đối không được đề nổ máy, nhanh chóng tắt toàn bộ hệ thống điện và gọi cứu hộ để các chuyên gia của các hãng hoặc thợ sữa chữa có cơ hội cứu được động cơ”.

(Nguồn: https://giadinhonline.vn/3-thiet-hai-kho-tranh-khi-o-to-ngap-nuoc-d194119.html )